HÌNH TƯỢNG ÁO DÀI TRONG NGHỆ THUẬT

Ngày đăng: 03:19 PM 17/10/2020 - Lượt xem: 6976

Từ hàng trăm năm nay, chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam đã được coi là "quốc hồn quốc túy" của dân tộc và được coi như một biểu tượng Việt Nam. Vẻ đẹp mềm mại, dịu dàng và kín đáo của chiếc áo dài Việt Nam được thẻ hiện bằng cổ cao, bờ vai tròn trịa mềm mại với hai tà áo thướt tha đầy nữ tính, gợi cảm cũng là nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca, nhạc họa.

Thơ ca

Hình ảnh phụ nữ Việt Nam với chiếc áo dài truyền thống đã được nhiều bao thế hệ nghệ sĩ ghi lại, nổi bật nhất là trong thơ và nhạc. Bài thơ nổi tiếng về chiếc áo dài có thể kể là "Áo lụa Hà Đông" của Nguyên Sa. Bài này được phổ nhạc thành một bài hát nổi tiếng và là cảm hứng cho một bộ phim điện ảnh cùng tên, với những câu: "Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông...

Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc bài này cũng không quên làm nổi bật hình ảnh áo dài khi sửa thành: “Ôm nghiêng tập vở, tóc dài, tà áo vờn bay...”

Áo dài cũng in đậm nét trong những vần thơ nghịch ngợm của Nguyễn Tất Nhiên:

“Đài các chân ngà ai bước khẽ

Nguyện theo tà lụa cả phương Đông” (Tháng giêng, chim)

“Đưa em về dưới mưa/ áo dài sầu hai vạt/ khi chấm bùn lưa thưa...” (Em hiền như Ma-soeur)

Trong thơ Bùi Giáng, màu áo dài của ký ức được nâng lên thành huyền thoại:

“Biển dâu sực tỉnh giang hà

Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh”

 Và có lẽ trong những vần thơ rất dung dị sau đây của Huy Cận cũng có hình bóng của chiếc áo dài trắng nữ sinh:

“Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong

Hôm xưa em đến mắt như lòng

Nở bừng ánh sáng em đi đến

Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng” (Áo trắng).

Hay vô cùng gợi cảm trong bài thơ “Chiếc áo dài Việt Nam” của nhà thơ Đinh Vũ Ngọc ở Quảng Nam:

“Chiếc áo quê hương dáng thướt tha

Non sông gấm vóc mở đôi tà

Tà bên Đông Hải lung linh sóng

Tà phía Trường Sơn rực rỡ hoa

Vạt rộng Nam phần chao cánh gió

Vòng eo Trung bộ thắt lưng ngà

Nhịp tim Hà Nội nhô gò ngực

Hương lúa ba miền thơm thịt da.”

Hình ảnh áo dài di sản Hồ Gươm

 Âm nhạc

Chiếc áo dài cũng phảng phất hay xuất hiện nhiều trong các ca khúc Việt Nam. Trong nhạc Trịnh Công Sơn có thể nhìn thấy khá nhiều. Theo hồi ký, chính những bước chân hoàng cung của những nữ sinh áo tím Huế đã làm cho nhạc sĩ họ Trịnh viết nên bài "Diễm xưa" nổi tiếng. Hay trong bài "Hạ trắng", hình ảnh áo dài cũng chập chờn: “Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay...” (Hạ trắng)

"Bé ca" của Phạm Duy viết cho con gái mới lớn, có bài "Tuổi ngọc" tả về niềm hân hoan của cô bé khi bước chân vào trung học, lần đầu khoác lên mình "một chiếc áo như mây hồng":

“Xin cho em một chiếc áo dài, cho em đi mua xuân tới rồi

Mặc vào đời rồi ra, mừng lạy chào mẹ cha

Hàng lụa là thơm dáng tuổi thơ”

Phạm Duy cũng không quên nhắc về chiếc áo này trong một giấc mơ hòa bình từ thập niên 1940: “Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi, mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong nắng cười...” (Quê nghèo)

Bài "Một thoáng quê hương" của Từ Huy nổi tiếng một thời với câu: 

“Tà áo em... bay, bay, bay, bay... trong gió nhẹ nhàng...

Dù ở đâu, Paris, Luân Đôn hay ở những miền xa.

Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó... em ơi...”

Nhạc sĩ Sỹ Luân cũng có bài "Áo dài ơi" vui tươi:

“Có chiếc áo dài tung tăng trên đường phố

Những lúc buồn vui vu vơ nào đó

Ánh mắt hồn nhiên vô tư dễ thương á hà…...

...Áo dài vui áo dài hát bao nắng xuân đang về khắp nơi

Áo dài nói áo dài cười mang hạnh phúc đến cho mọi người

Áo dài vui vui áo dài hát hát bao nắng xuân đang về khắp nơi

Áo dài nói nói áo dài cười cười mang hạnh phúc đến cho mọi người”

Nhạc sĩ Huỳnh Nhật Tân với bài "Cô gái Việt Nam":

“Em, cô gái kiêu sa trong tà áo dài Việt Nam

Em, duyên dáng thơ ngây trong vườn nắng đẹp bình minh

Em chân bước mượt mà, em tay trắng ngọc ngà, đẹp lộng lẫy thướt tha.

Em như đóa hoa xinh trong tà áo dài Việt Nam.

Em yêu quý quê hương, yêu tà áo dài Việt Nam...”

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng với ca khúc "Một đời áo mẹ áo em" kể lại lịch sử và sự gắn kết nhiều thế hệ của chiếc áo dài.

Nhạc sĩ Jo Marcel và ca khúc "Áo dài Việt Nam":

“...Người Việt Nam trong chiếc áo dài

Người Việt Nam tha thướt bước về

Vẻ đẹp Việt Nam ngàn đời không phai

Cùng tha thướt bước trên đường của xứ khách

Cùng nắm tay nhau chia xẻ buồn vui

Cùng tiếp tay nhau duy trì nét đẹp

Vẻ đẹp của người Việt Nam”

Gần đây, nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường với ca khúc "Em trong mắt tôi":

“Em đẹp không cần son phấn… xinh thật xinh… thật xinh... rất hiền...

Không quần jeans… giầy cao gót… em chọn riêng mình em áo dài… duyên dáng...

Giống như hoa kia bên thềm… ngát hương không khoe sắc màu… ngàn đóa hoa đang rực rỡ không sánh bằng...

Nhẹ nhàng tung bay tà áo dài... Em phụ nữ Việt…

Ánh lên bao rạng ngời người Phương Đông…”

Các nhạc sĩ tiền chiến cũng hay ca ngợi áo dài như bài "Tà áo xanh" của Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Và cảm xúc về chiếc áo dài cũng làm nên những câu hát nổi tiếng của Hoàng Trọng:

“Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím

Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím

Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau

Tháng năm càng lướt mau

Biết bao giờ trông thấy nhau”

(Ngàn thu áo tím)

Bài hát "Áo trắng đến trường" của nhạc sĩ Xuân Phương được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhạc sĩ Trần Hoàng Vy:

“Áo trắng em mặc đến trường

Đừng bao giờ để... ai thương lại gần

Áo trắng thì phải biết lo

Biết không cô nhỏ học trò sáng nay ?”

Bài Hát "Cho tôi một vé đi tuổi thơ" có câu:

"Áo trắng ai bay khiến cho ai kia mơ màng"

Hội họa

Bức tranh "Thiếu nữ bên hoa huệ" của họa sĩ Tô Ngọc Vân sáng tác năm 1943, là một trong những tác phẩm hội họa hiện đại Việt Nam đầu tiên và nổi tiếng bậc nhất, miêu tả một cô gái mặc áo dài trắng ngồi bên một bình hoa huệ tây (hoa loa kèn).

Trình diễn thời trang

Đã có rất nhiều cuộc thi thiết kế và trình diễn áo dài được tổ chức tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài.

Trong các cuộc thi nhan sắc tầm cỡ thế giới như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Trái đất, những người đẹp đại diện Việt Nam luôn đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng cho phần thi trang phục dân tộc, và đã không hiếm lần tà áo dài đồng hành cùng chiến thắng với chủ nhân của trang phục.

Tại Việt Nam, những show diễn thời trang dành riêng cho áo dài đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng, tiêu biểu và được diễn ra thường niên như Lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh, Festival áo dài Huế...

Rất nhiều nhà thiết kế đã định hình phong cách theo đuổi và gặt hái được những thành công to lớn cùng áo dài.

Kết luận

Có thể nói, với vai trò, vị trí quan trọng của mình trong nền văn hóa Việt, Áo dài sẽ luôn được trân trọng, ghi nhận và sẽ còn tiếp tục ghi dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực nghệ thuật của Việt Nam. Mỗi lần áo dài xuất hiện trong thi, ca, nhạc, họa là mỗi lần trong tim những người Việt Nam thêm những xúc động và tự hào, thêm mến yêu và thấy được trách nhiệm giữ gìn, phát triển nét văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc này!

 

Nguồn: sưu tầm

------------------------
DO TRINH HOAI NAM – Vẻ đẹp của bạn! Sứ mạng của tôi!
● Hotline: 0969 651 339
● Địa chỉ: Số 41 ngõ 205 Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
● Youtube: https://www.youtube.com/ĐỖTRỊNHHOÀINAM
● Fanpage: https://www.facebook.com/NTKaodaivietnam/

đăng ký nhận bản tin định kỳ

Kết nối với chúng tôi:

Facebook